Giới thiệu

Hotel Continental Saigon nằm trên đường Đồng Khởi, một trong những con đường lâu đời và trung tâm nhất ở Sài Gòn. Thời xưa, đường phố ở Sài Gòn được đánh số thứ tự thay vì đặt tên như ngày nay. Tính từ bờ sông Sài Gòn, thì đường Đồng Khởi là đường “Số 6”. Năm 1865, Tướng Toàn Quyền Pháp Grandiere đặt tên mới cho những con đường số này, và đường số 6 mang tên Catinat – một con đường nhộn nhịp của Sài Gòn, đặc biệt trong thời kỳ Pháp thuộc. Đường Catinat lúc bấy giờ rất hào nhoáng và đông đúc, đa phần là người Pháp. Thời gian sau, đối diện với Hotel Continental là một dãy nhà xưởng và các dãy nhà mọc lên, đầu tiên là xưởng Denix Frere, kế tới là tiệm thuốc tây đầu tiên ở Sài Gòn tên là “Solinere Pharmaceutical”, khai trương vào năm 1865.
Năm 1878, Pierre Cazeau, nhà sản xuất vật liệu xây dựng và đồ dùng trang trí, khởi công xây dựng “Hotel Continental”, với mục đích cung cấp cho người Pháp, sau khi vượt nghìn trùng hải hành tới Việt Nam, có một nơi ở sang trọng theo đúng kiểu Tây tại miền đất họ vừa đặt chân tới. Sau hai năm xây cất, năm 1880, “Hotel Continental” khánh thành.

Được xây dựng cùng thời với Hotel Continental lúc đó còn có Nhà Thờ Đức Bà (1880), cách Khách sạn năm phút đi bộ; Sở Bưu Điện và Viễn Thông (1886), nay là Bưu Điện Thành Phố và Tòa Thị Chính (1898), là Ủy Ban Nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh ngày nay. Những tòa nhà này có kiến trúc tương tự như Tòa Thị Chính Paris.

Năm 1911, Hotel Continental được sang nhượng lại cho Công Tước Montpensier. Năm 1930, khách sạn có chủ nhân mới là Mathier Francini, một “tay anh chị” đến từ đảo Corsica, người đã điều hành khách sạn này tới năm 1975. Trong thập kỷ 60-70, chính quyền Sài Gòn lệnh cho tất cả các bảng hiệu phải viết bằng tiếng Việt, thì Hotel Continental mang tên “Đại Lục Lữ Quán”

Tuy nhiên, tiếng tăm của Hotel Continental không phải là ở các chủ nhân của nó, mà chính bề dày năm tháng của khách sạn trong dòng chảy lịch sử Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh đã tạo nên tên tuổi của khách sạn chúng tôi.
Trước Thế chiến thứ II, Hotel Continental đã từng đón tiếp nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore
(giải thưởng Nobel Văn học năm 1913), nhà văn Andre Malraux, tác giả tiểu thuyết “Số phận con người”, đoạt giải Văn học Prix Goncourt năm 1933 và nhà văn người Anh Graham Greene, vị khách thường xuyên ngụ tại phòng 214 – tác giả “Người Mỹ Trầm Lặng”, kể về thời kỳ chuyển giao giữa Thực dân Pháp và Đế Quốc Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Hotel Continental giữ vị trí đáng kể trong quá trình sáng tác và ghi hình khi tiểu thuyết được chuyển thể thành phim truyện. Hotel Continental cũng có mặt nhiều cảnh quay chính trong bộ phim “Đông Dương” – bộ phim đoạt hai giải Oscar và Quả Cầu Vàng.
Hotel Continental từng được gọi là “Đài Phát Thanh Catinat”, vì đây là điểm hẹn quen thuộc của cánh nhà báo, phóng viên săn tin, các chính trị gia và doanh nhân tụ họp, bàn tán chuyện chính trị, chuyện làm ăn và thời cuộc. Quả không sai nếu bảo “nếu các bức tường của Hotel Continental biết nói, chúng sẽ kể cho bạn rất nhiều câu chuyện…”
Thời kỳ Mỹ chiếm đóng Việt Nam, đường Catinat có tên là đường Tự Do, sau ngày giải phóng năm 1975, thì đổi thành Đồng Khởi. Lịch sử sang trang, Hotel Continental lại là nơi đón tiếp các chính khách nổi tiếng như Jacques Chirac (thị trưởng Paris), Thủ tướng Mã Lai Mahathir Mohamed và nhiều chính trị gia đến bàn bạc về tương lai của một Việt Nam mới.

Ngày nay, Hotel Continental vẫn giữ được nét cổ điển, song hành với những tòa nhà từ thời xưa ở Sài Gòn như Nhà Hát Thành Phố, Nhà Thờ Đức Bà, Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh đi tới tương lai. Trên con đường Đồng Khởi luôn nhộn nhịp, Hotel Continental vẫn giữ cho mình giáng vẻ uy nghi cổ kính từ thuở ban đầu. Bên trong tòa nhà tráng lệ đó, một thế hệ mới nhân viên khách sạn ngày đêm tận tâm, đầy nhiệt huyết hết lòng phục vụ lữ khách gần xa những ngày lưu trú thư giãn tuyệt vời và những kỷ niệm đầy lưu luyến khi họ đến với thành phố Hồ Chí Minh.

VỊ TRÍ

Hotel Continental Saigon (tên tiếng Việt là Khách sạn Hoàn Cầu) có vị trí rất thuận tiện, tọa lạc ngay giữa trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Từ đây, du khách có thể đi bộ đến các điểm vui chơi giải trí, các điểm tổ chức lễ hội, sự kiện và các nơi giao dịch công việc như

Nhà Hát Thành Phố (xây dựng năm 1898) – ở đối diện khách sạn,
Nhà Thờ Đức Bà (1880), Bưu Điện Thành Phố (1891),
Ủy Ban Nhân Dân TP. Hồ Chí Minh (1898),
Dinh Độc Lập (1966)
Chợ Bến Thành (1914)
Các tòa nhà văn phòng, cơ quan nhà nước, lãnh sự quán,
Các hãng hàng không, bệnh viện, khu mua sắm, nhà hàng và quán bar các loại

PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN

Từ sân bay Tân Sơn Nhất khách có thể đi taxi hoặc sử dụng dịch vụ xe đón sân bay của khách sạn để đến Hotel Continental Saigon, chỉ mất 25 phút.
Khách lưu trú tại khách sạn có thể đi bộ 5 phút đến bến xe buýt Bến Thành, bến tàu cánh ngầm (Bến Bạch Đằng). Gần khách sạn còn có các trạm xe khách và nhà ga xe lửa (ga Hòa Hưng) đi Phan Thiết, Nha Trang, Đồng bằng Sông Cửu Long, Campuchia và các tỉnh khác (xuất phát từ khu Đề Thám – Phạm Ngũ Lão).

DI TÍCH LỊCH SỬ

Ngày 28/ 4/ 2012, Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định số 2210/QĐ-UBND công nhận Hotel Continental Saigon là Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thuật của Thành Phố.
Theo Hội Đồng Xét Duyệt, Hotel Continental được xây dựng từ năm 1880 với nhiều nét kiến trúc đặc trưng để giảm thiểu oi bức vào mùa hè của khí hậu nhiệt đới vừa đón nhiều gió trời và ánh sáng tự nhiên, toàn bộ mái ngói và tường xây của công trình bằng gạch nung dày, phòng ngủ và khu vực công cộng rộng rãi, trần cao 4 mét. Thiết kế tổng thể của khách sạn trên khuôn viên hình chữ nhật, ở giữa là sân trời có ba cây bông sứ (hoa đại) trồng từ năm 1880 đến nay vẫn trổ hoa xanh tốt; những đặc trưng này tạo nên cảm giác riêng biệt: góc bình yên ngay trong lòng thành phố năng động nhộn nhịp, vốn chỉ có ở Hotel Continental Saigon.
Cùng hòa hợp trong quần thể kiến trúc của thành phố, còn có Nhà Hát Thành Phố (1898), Nhà thờ Đức Bà (1880), Bưu điện Thành Phố (1891), Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh (1898), Reunification Dinh Độc Lập (1966) và Chợ Bến Thành (1914), khách sạn Continental Sài Gòn là một điểm nhấn trong kiến trúc của khu vực trung tâm thành phố, ghi lại các giai đoạn lịch sử trong quá trình hình thành và xây dựng thành phố Sài Gòn-Hồ Chí Minh.

HOTEL CONTINENTAL SAIGON CAM KẾT HÀNH ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Hotel Continental Saigon luôn ý thức trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường, không ngừng phấn đấu và đã đạt được chứng chỉ KHÁCH SẠN XANH (2008-2009) theo tiêu chuẩn ASEAN. Để giữ gìn bảo vệ du lịch xanh bền vững, Ban Giám Đốc khách sạn Continental cam kết:
1] Tuân thủ và chấp hành Luật Bảo Vệ Môi Trường của Chính Phủ Việt Nam, cùng các quy định – luật định khác về môi trường do các cơ quan hữu quan và địa phương ban hành
2] Thường xuyên lựa chọn và cải tiến các phương pháp để giảm thiểu những sự cố có hại cho con người và môi trường; Có phương án cho các tình huống khẩn cấp
3] Sử dụng các nguồn năng lượng hiệu quả, hợp lý và tiết kiệm mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ khách; Quản lý tốt và thực hiện đúng các quy định về phân loại rác, đặc biệt là chất thải nguy hại
4] Thường xuyên cập nhật các yêu cầu Luật định mới, có kế hoạch đào tạo nội bộ, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho toàn thể nhân viên
5] Quyết tâm duy trì và phát triển hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO14001 quy định
Chúng tôi kêu gọi Quý khách cùng tham gia bảo vệ môi trường bằng cách tiết kiệm điện, nước, hóa chất (tẩy rửa, giặt ủi) trong thời gian lưu trú tại khách sạn. Sự hợp tác của Quý khách luôn được trân trọng và đánh giá cao.